Có những đứa trẻ đi học 2-3 tuần, thậm chí cả tháng vẫn khóc lóc đòi nghỉ, cũng có trẻ chỉ cần 1-2 ngày đã quen với việc đi học. Có bí quyết nào ở đây?
Chuẩn bị tâm lý cho trẻ đến trường là cả một nghệ thuật, cha mẹ phải thật sự khéo léo để giúp con hòa nhập vào môi trường mới.
Làm gì để giúp trẻ?
Để giúp trẻ, cha mẹ cần có những điều chỉnh thích hợp tùy vào lý do trẻ không muốn đi học.
Trẻ khóc do ở nhà sinh hoạt thất thường: Ở nhà nhiều bé có lối sinh hoạt thất thường, ăn uống không điều độ, trẻ ham chơi thức khuya nên đến sáng bị đánh thức đi học, bị thiếu ngủ nên trẻ uể oải, lè nhè. Cũng có nhiều bé ở nhà không ngủ trưa.
Do đó, trước khi đi học, cha mẹ xây dựng thời gian nghỉ ngơi khoa học, tập cho bé thói quen đi ngủ sớm, dậy sớm. Trẻ phải đi ngủ trước 9h tối và dậy lúc 6h sáng thì trưa sẽ ngủ được ngon hơn.

Trẻ buồn do thấy cô đơn giữa mọi người: Có những bé đi học mẫu giáo vui vẻ bình thường, đến khi vào lớp 1 trường mới bạn mới, bé sẽ cảm thấy cô đơn, cảm giác như bị bỏ rơi và bất an.
Gia đình hãy tìm cách vỗ về, an ủi bé. Hãy cho con mang món đồ chơi mà bé yêu thích đến lớp. Điều đó sẽ khiến con an tâm hơn.
Trẻ không thích đi học do bị ốm: Không ít trẻ khi đi học thường xuyên bị ốm vặt. Cha mẹ cần tìm hiểu kỹ nguyên nhân, có thể do bé khóc nhiều, nóng giận nên bị nhiệt, cả ngày ở trường uống ít nước, ăn đua với bạn nên nuốt quá nhanh dẫn đến thức ăn không tiêu, gây đau bụng…
Với những trường hợp này, buổi sáng trước khi đi học cha mẹ nên cho bé uống nhiều nước và dặn bé nếu khát thì xin cô giáo uống nước hoặc khi ăn cơm, nhớ uống nhiều canh, hoặc mua bình nước cho bé đem theo. Nếu bé ăn giỏi, phụ huynh nhờ cô giáo để ý không để bé ăn quá nhiều và nhanh…

Trẻ bị bạn chọc ghẹo: Trước tiên cha mẹ nên dạy bé cách tự giải quyết, dạy cho con nếu muốn chơi đồ chơi với bạn, con phải cố gắng thỏa thuận với bạn, nếu bạn không đồng ý thì không nên giành giật, đánh nhau với bạn.
Ngoài ra, thấy bé đánh bạn, cha mẹ phải ngăn cấm và cho bé biết đấy là hành vi không đúng. Sau một thời gian nhất định trong môi trường tập thể, dần dần bé sẽ học tập được cách giao tiếp với các bạn.
Để trẻ chấp nhận đến trường như là điều hiển nhiên
Tạo ra khung cảnh, tình huống tương tự lớp học: Trước khi cho con đi học, mỗi ngày cha mẹ nên kể cho bé những niềm vui về trường lớp cũng như các trò chơi ở trường để tạo ấn tượng với bé. Cha mẹ cũng có thể chơi trò dạy học với con để con làm quen.
Cho trẻ trải nghiệm, làm quen: Tranh thủ thời gian đưa con đến các trường mầm non để bé quan sát, bước đầu làm quen với trường lớp, cô giáo. Nếu trẻ chưa tự tin hòa nhập, cha mẹ hãy xin phép giáo viên để cha mẹ cùng chơi với trẻ trong khuôn viên nhà trường.
Tạo cho trẻ tâm lý sẵn sàng chấp nhận: Gần đến ngày đi học, cha mẹ nên tạo điều kiện cho trẻ chơi với bạn bè hàng xóm mà không có cha mẹ. Hãy bình tĩnh, kiên trì và thường xuyên mỗi ngày để bé quen với việc không có cha mẹ bên cạnh.
Dạy trẻ biết về trách nhiệm: Cha mẹ cần nói rõ cho trẻ hiểu mỗi người trong gia đình đều có một công việc rõ ràng, người lớn thì đi làm, trẻ con thì đi học.
Nếu trẻ chưa chấp nhận, phụ huynh hãy kể cho con nghe những hoàn cảnh gia đình tương tự có bạn cùng tuổi đã đi học để trẻ cảm nhận được phần nào trách nhiệm nhỏ bé của mình.

Kiên quyết và dứt khoát: Sau khi đưa trẻ đến trường, cha mẹ đừng nên nấn ná, dùng dằng mà nên dứt khoát. Bởi nếu thương con, sợ con khóc mà quay lại thì trẻ lại càng khó thích nghi.
Đồng thời, cha mẹ nên thường xuyên phối hợp với các cô giáo ở trường để nắm được diễn biến tâm lý của trẻ, qua đó có thể giúp giáo viên có biện pháp phù hợp hiệu quả với trường hợp của con mình.
Có những phần thưởng xứng đáng: Sau mỗi ngày học mà trẻ có dấu hiệu tiến bộ, hãy trao cho con những phần quà khích lệ có thể là vật chất hoặc tinh thần (như cái kẹo, đồ chơi, cái ôm hôn…).
Đó là động lực để trẻ cố gắng hơn để không làm phụ lòng cha mẹ, thầy cô.